Trang chủ | Lớp học 1001 văn hóa
Lớp học 1001 văn hóa
Lớp học 1001 văn hóa
21/12/2019

Với những thông tin đầu tiên của buổi học, tôi bắt đầu bỡ ngỡ giữa các nền văn hóa khác nhau khi tiếp xúc cùng các bạn nước ngoài tại lớp học.
Tôi là một đứa khá lười biếng trong việc mở rộng mối quan hệ cũng như tìm hiểu những thông tin mới. Vỏ bọc an toàn luôn tạo cho tôi cảm giác chắc chắn, không lo về công việc hay vấp ngã trong cuộc sống. Cuộc sống của tôi bình thản như thế đến khi vào năm 1 đại học, nó hầu như xoay chuyển tôi hoàn toàn suy nghĩ cũng như hành động về khái niệm “an toàn”.
Khi tôi chọn vào học hệ American Degree Program (ADP) - nói một cách dễ hiểu là chương trình học và lấy bằng đại học Troy & Đại học Keuka tại Đà Nẵng, với vốn tiếng anh vừa phải, tôi bị ngợp khi tiếp xúc tất cả mọi thứ bằng tiếng anh. Thực sự là một cực hình cho chính đứa con gái mỏng manh như tôi đây.
Sau một thời gian cày cuốc, chật vật, chiến đấu lại bản thân thì cũng “hấp thụ” được một ít “tinh túy” từ thầy cô. Tầm tháng 10 vừa rồi thì tôi nhận được một thông tin về lớp học Global Understanding sẽ tổ chức cho các bạn K25 ADP của chúng tôi. Việc học ngập đầu làm cho tôi lờ đi mà không để ý đến nó, đến sát ngày có thông báo triệu tập nên thôi cứ đến xem thử lớp học như thế nào.

Khi mới vào lớp cũng khá bất ngờ vì có sự tham gia của các bạn sinh viên nước ngoài, nghe giới thiệu qua thì biết mọi người đến từ Myanmar và Philippines. Lớp học được thiết kế như một lớp học bình thường, nhưng điều khác biệt ở đây không có thầy cô mà chỉ có người dẫn dắt. Lớp học được xây dựng trên việc trao đổi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa giữa các bạn sinh viên tại nhiều nước trên thế giới thông qua hình thức hội thảo trực tuyến trên một màn hình lớn.

                             (Các bạn sinh viên Myanmar trong trang phục truyền thống đến lớp học Global Understanding) 

Ở đầu cầu Việt Nam tối hôm đó có một số bạn của tôi là người Việt Nam, Myanmar và Philippines, ở phía nước Mỹ xa xôi bên kia có tầm 10-13 bạn sinh viên trường Appalachian State University đang ngồi dọc 3 dãy bàn được bày biện sẵn.
Lớp học bắt đầu với những lời giới thiệu giữa những người dẫn dắt là giảng viên của hai trường. Với mục đích tìm hiểu giao lưu văn hóa giữa các nước, lớp học gồm có 4 buổi. Buổi đầu tiên với chủ đề giới thiệu ASEAN, buổi thứ hai sẽ bàn về du lịch, thứ 3 sẽ là giáo dục và buổi cuối cùng sẽ nói về toàn cầu hóa. 
 Nghe đến đây thì tôi hình dung tới những cuộc hội thảo người nói chả có người nghe, rồi một người nói cả hội đồng thanh “ngáp”, linh tính mệt mỏi bao trùm đến khi bước vào buổi học.  Những thông tin ban đầu được trao đổi như tên, ngành học, sở thích của từng bạn trong lớp. Kế đến là những sự khác nhau trong lối sống, văn hoá giữa hai nước Việt Nam -Mỹ. Ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà là điều rất phổ biến ở nước mình, nhưng bên nước bạn thường chỉ có 2-3 thành viên: ba mẹ và con cái trong một gia đình. Thời tiết trời Tây chia thành 4 mùa xuân hạ thu đông rõ ràng, còn các bạn phía Đông cứ ao ước được nhìn thấy tuyết rơi một lần trong đời. Trời Tây thì đi làm muộn còn trời Đông lại đi làm sáng sớm. Câu chuyện cứ trôi qua và sự đối đáp qua lại giữa 2 bên.
Với những thông tin đó trên mạng nên tôi vẫn chưa thấy được sự hào hứng trong việc phải làm như thế nào để bắt kịp không khí. Bỗng dưng câu chuyện đi sang một hướng mới bàn về phụ nữ trong việc bình đẳng giới. Tôi như rà trúng “rada” máy phát, từ xưa đến nay, bản thân luôn luôn nghiền ngẫm với những thông tin về việc người con gái khi có chồng, sinh con nhưng vẫn trụ cột của gia đình. Đến ngay cái chủ đề mà tôi thích, như mũi kim đang chích vào quả bong bóng nước đang chực trào vỡ. Sự hào hứng tăng cao và thế là tôi bắt đầu nói, nói và nói. 
Lúc này dường như con người của tôi bấy lâu nay bị vứt bỏ qua một xó, tôi vùng vẫy trong môi trường tôi cực kỳ thích, bàn về vấn đề tôi hằng mong ước lâu nay được nói. Câu chuyện được chia sẻ từ các bạn sinh viên ở Mỹ, phương Tây bình đẳng giới khá cao khi người phụ nữ sẽ thoải mái hơn rất nhiều sau khi sinh con. Phương Đông của mình đôi lúc phụ nữ cần là người “nâng khăn sửa túi” cho chồng mình, sau khi sinh con thường về “ở ẩn”. Sau cuộc trao đổi đó tôi mới nhìn nhận được 1 phần nhỏ lợi ích trực tiếp từ lớp học này. 
Các vấn đề khác liên tục, liên tục được đưa ra, nhiều thông tin tôi mới bắt đầu nghe và thấy ôi sao trời Tây khác trời Đông thế nhỉ. Lớp học đầy sự lôi cuốn từ chủ đề gia đình, văn hóa, xã hội, du lịch… Từ việc trong một ngôi nhà ở bao nhiêu thế hệ, kỳ thi căng thẳng như thế nào, bằng lái xe máy, xe ô tô, chủ nghĩa cá nhân, tinh thần đồng đội… Một bầu trời kiến thức ngay tại lớp học nhỏ đó trải dài trong vòng 4 tuần. 

                                ( Khung cảnh lớp học Global Understanding với 2 đầu cầu Việt Nam - Mỹ của bọn mình )

Đến buổi học cuối đúng thật tiếc “ngoay ngoáy”, trong đầu tôi suy nghĩ sao kết thúc sớm vậy nhỉ? Sao không có lớp nào kéo dài cả năm trời cho người tham gia học cho sướng cái thân nhỉ? Nhiều câu hỏi xoay quanh tôi nhưng chỉ vì một mục đích muốn kéo dài lớp học này. 
Sau khi trở về, cứ loay hoay theo những bài tập, rồi chuẩn bị thi giữa kỳ nên không có thời gian rảnh nhiều. Hôm nay quyết tâm gõ phím để kể lại một số trải nghiệm do chính mình được trải qua. Hy vọng sẽ được học nhiều lớp như thế này nhiều hơn nữa để không chỉ mình mà tất cả mọi người sẽ hiểu rõ hơn trên thế giới, mình vẫn còn rất nhỏ bé.

adpmod03@dtu.edu.vn
processing...
Đăng ký xét tuyển
AMERICAN DEGREE PROGRAM
Đã đăng ký thông tin thành công.
Bộ phận tuyển sinh sẽ liên hệ trực tiếp trong thời gian sớm nhất.
Đã có lỗi trong quá trình đăng ký, xin vui lòng kiểm tra lại thông tin và thử lại!
person
phone
email
person_pin_circle
school